Theo thông tin vụ việc, Trần Hải Hồ Nam (SN 1996, trú xã Thủy Bằng, TP Huế)  mượn xe Exciter 37P1-21367 của Hoàng Đình Thái (SN 2000, trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) sinh viên Đại học Bách hoa Đà Nẵng rồi chiếm đoạt. Sau đó, Thái đến Công an phường Hòa Minh để trình báo sự việc.

Trưa 15-3, Thái cùng Trần Hoàng Vĩ (SN 2000, sinh viên Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng) nghĩ ra kế hoạch và cùng rủ Trần Quang Nhật (SN 1997), Đào Quang Ngọc (1988, đều trú tại TP Đà Nẵng) thuê xe ô tô ra Huế để tìm gặp Nam. Tại Huế, cả nhóm đã đánh đập, khống chế và trói Nam đưa lên xe ô tô chở vào Đà Nẵng với ý định giao cho Công an phường Hòa Minh xử lý.

Tuy nhiên, trên đường đi vào Đà Nẵng thì bị lực lượng CSGT, Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế dừng xe, mời những người trên về trụ sở làm việc. Sau đó bàn giao nhóm thanh niên trên cho Công an TP Huế xử lý theo thẩm quyền.

Tại Cơ quan điều tra, công an xác định: Thái, Vĩ, Nhật, Ngọc đánh đập khống chế, bắt giữ Nam có dấu hiệu cấu thành tội bắt giữ người trái pháp luật và cố ý gây thương tích.

Trong vụ việc này, PV PLO đã có cuộc trao đổi với Ths. Luật sư Võ công Hạnh, Đoàn luật sư Huế để hiểu thêm vụ việc.

PV: Trong trường hợp này, các đối tượng Thái, Vĩ, Nhật, Ngọc cần có cách hành xử như thế nào là phù hợp?

+ LS Võ Công Hạnh: Với những thông tin mà báo đã phản ánh, thì nhẽ ra khi phát hiện Nam, nhóm của Thái cần phải báo ngay cho Cơ quan chức năng trên địa bàn (Công an phường).

Tùy vào tính chất, mức độ sự việc, các cơ quan sẽ chủ động phối hợp các cơ quan liên quan để xử lý theo quy định tại Chương VII, Bộ luật Tố tụng Hình sự về Biện pháp ngăn chặn, Biện pháp cưỡng chế để có thể bắt giữ người theo đúng trình tự, thủ tục.

.
Các đối tượng Thái, Vĩ, Nhật, Ngọc có thể phải gánh chịu những trách nhiệm pháp lý nào?

+ Việc tự ý bắt giữ người mà không đủ thẩm quyền, xâm phạm đến sức khỏe và quyền tự do đi lại của công dân nên các đối tượng phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi bắt giữ người trái pháp luật theo quy định tại Điều 157 Bộ luật hình sự.

Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ phân tích đánh giá đối với hành vi gây thương tích, có thể đây sẽ trở thành một tình tiết tăng nặng theo quy định tại điểm b, Khoản 3 Điều 157. Trong trường hợp, hành vi này thỏa mãn các yếu tố để bị xử lý về một tội danh độc lập thì các cơ quan cảnh sát điều tra phải xem xét, xử lý theo quy định.

.

Để tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc như trên, công dân nên có cách hành xử như thế nào trong những tình huống như thế này?

+ Có thể thấy rằng, hành vi của Thái, Vĩ, Nhật, Ngọc thực hiện xuất phát từ mong muốn thu hồi tài sản của mình. Các đối tượng bắt giữ Nam, đưa lên xe ô tô và di chuyển vào Đà Nẵng, chỉ nhằm vào mục đích giao cho Công an phường Hòa Minh, thành phố Đà Nẵng xử lý đối với hành vi chiếm đoạt tài sản nhưng cuối cùng lại tự biến mình trở thành người vi phạm pháp luật.

Đây là câu chuyện rất đáng tiếc, phần nào xuất phát tự việc các đối tượng đã không nhận thức đầy đủ về mức độ hành vi, cũng như các quy định pháp luật liên quan. Khi bị chiếm đoạt tài sản, bị người lạ tấn công… người bị thiệt hại thường chống trả, hoặc tự tìm cách giải quyết, điều này cũng hiển nhiên, tuy nhiên điều này dễ dẫn đến vi phạm pháp luật.

Trong những hoàn cảnh đó, công dân cần liên hệ ngay các cơ quan chức năng, không được tự ý xử lý vì có thể gây nguy hại đến chính mình hoặc tự biến mình thành người có hành vi trái pháp luật.

(PLO)- Luật sư nói gì về vụ việc nhóm thanh niên từ Đà Nẵng thuê ô tô ra Huế bắt người để giao cho công an.