NHỮNG NGƯỜI NÀO ĐƯỢC QUYỀN THAM GIA TỐ TỤNG TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ?

admin
03/11/20
0
168 lượt xem

Cơ sở pháp lý:

Bộ luật tố tụng hình sự 2015

Người tham gia tố tụng:

Người tham gia tố tụng có thể được hiểu là cá nhân, cơ quan, tổ chức tham gia hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố Tụng Hình Sự 2015. Đây là những người liên quan tới hành vi phạm tội, có quyền và lợi ích hợp pháp trong vụ án hoặc sự tham gia của họ là cần thiết để làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án.

Căn cứ điều 55 Bộ luật Tố Tụng Hình Sự 2015 những người tham gia trong tố tụng hình sự gồm:

Người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.

Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.

Kiến nghị khởi tố là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.

Người bị tố giác, kiến nghị khởi tố được hiểu là cá nhân, tổ chức bị tố cáo, kiến nghị về hành vi có dấu hiệu tội phạm, bị nghi thực hiện tội phạm

Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp.

Người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp thường là phạm tội quả tang và người bị bắt theo quyết định truy nã.

Người bị bắt.

Người bị bắt là người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã; bị can, bị cáo để tạm giam; người bị yêu cầu dẫn độ

Người bị tạm giữ.

Người bị tạm giữ là người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người bị bắt theo quyết định truy nã hoặc người bị phạm tội tự thú, đầu thú đối với họ đã có quyết định tạm giữ.

Bị can.

Bị can là người bị khởi tố hình sự

Bị cáo.

Bị cáo là người đã bị tòa án đưa ra xét xử

Bị hại.

Người bị hại là người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra. Sự thiệt hại về thể chất ( tính mạng, sức khỏe) về tinh thần (danh dự, nhân phẩm), về tài sản (bị mất, bị chiếm đoạt, bị hủy hoại, bị làm hư hỏng) này phải do chính hành vi phạm tội trực tiếp gấy nên hoặc đe dọa gây nên cho nguời bị hại. Trong trường hợp người bị hại chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần thì người đại diện hợp pháp có thể đại diện người bị hại để thực hiện quyền của người bị hại.

Nguyên đơn dân sự.

Nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Bị đơn dân sự.

Bị đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức mà pháp luật quy định phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự.

Người làm chứng.

Người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng.

Người chứng kiến.

Người chứng kiến là người được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu chứng kiến việc tiến hành hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này.

Người giám định.

Người giám định là người có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực cần giám định, được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu, người tham gia tố tụng yêu cầu giám định theo quy định của pháp luật.

Người định giá tài sản.

Người định giá tài sản là người có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực giá, được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng yêu cầu định giá tài sản theo quy định của pháp luật.

Người phiên dịch, người dịch thuật.

Người phiên dịch, người dịch thuật là người có khả năng phiên dịch, dịch thuật và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu trong trường hợp có người tham gia tố tụng không sử dụng được tiếng Việt hoặc có tài liệu tố tụng không thể hiện bằng tiếng Việt.

Người bào chữa.

Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người được bị hại, đương sự nhờ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố là người được người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố nhờ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phạm tội, người đại diện khác theo quy định của Bộ luật này.

Trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng

Căn cứ Điều 71 Bộ luật Tố Tụng Hình Sự 2015, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng theo quy định của Bộ luật này.

Trường hợp người bị buộc tội, người bị hại thuộc diện được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm giải thích cho họ quyền được trợ giúp pháp lý; nếu họ đề nghị được trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông báo cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.

Việc thông báo, giải thích phải ghi vào biên bản.

Nội dung trên chỉ mang tính chất tham khảo, quý khách hàng có nhu cầu tư vấn chi tiết vui lòng liên hệ:

???? ????? ??? ????
???????: http://congkhanhluat.vn/
???????: https://www.facebook.com/congkhanhlawfirm/
?????: lienhe@congkhanhluat.vn
???????: 0898.200.234
???????: 33 Truong Chinh Street, Xuan Phu Ward, Hue City, Thua Thien Hue Province, Vietnam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *