Lê Vi, tổ 7 kv5 Vỹ Dạ, Tp Huế gửi câu hỏi như sau:
Kính gửi Công ty Luật Công Khánh!
Hiện nay, báo chí đưa tin nhiều về việc các cá nhân sử dụng pháo sáng, pháo nổ, đặc biệt, trong các sự kiện thể thao vừa qua. Vậy việc sử dụng pháo như thế nào là hợp lệ, trong trường hợp vi phạm thì sẽ bị xử lý như thế nào?
Xin chân thành cảm ơn
Phòng tư vấn Luật Công Khánh tư vấn cho bạn như sau:
- Sử dụng pháo như thế nào là hợp lệ?
Tại Điều 5 Nghị định 36/2009/NĐ-CP quy định chỉ những loại pháo, sản phẩm pháo sau được sử dụng:
– Pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất, nhập khẩu để tổ chức bắn pháo hoa đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép;
– Pháo hoa do tổ chức, cá nhân nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cho phép và được Bộ Công an cấp giấy phép mang vào Việt Nam để dự thi bắn pháo hoa;
– Pháo hiệu dùng trong các hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, cứu hộ, cứu nạn, giao thông vận tải và hoạt động quân sự;
– Các sản phẩm như: Pháo hoa lễ hội bằng giấy (trừ loại hoa có chứa kim loại), pháo điện, pháo trang trí bằng giấy, bằng nhựa, bằng tre, trúc, kim loại; Que hương phát sáng; Các sản phẩm phát tín hiệu ánh sáng, màu sắc, âm thanh được dùng trong các hoạt động văn hoá, văn nghệ không gây nên tiếng nổ.
Như vậy, việc cá nhân sử dụng các loại pháo không thuộc danh mục kể trên là trái quy đinh. Đặc biệt, là loại pháo sáng mà các Cổ động viên thường sử dụng trong khán đài vừa trái quy định lại vô cùng nguy hiểm, nó không dễ dập tắt vì được thiết kế để thích ứng với môi trường nước, có thể cháy trong 60 giây, gây bỏng cấp độ 4 vào cơ hoặc xương…
- Xử phạt đối với hành vi đốt pháo
– Nếu cá nhân vi phạm Điều 5 Nghị định 36/2009/NĐ-CP sử dụng pháo trái phép thì bị xử lý theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, bên cạnh việc bị tịch thu pháo thì còn bị phạt tiền, mức phạt từ 1-2 triệu đồng.
– Nếu phát hiện cá nhân sử dụng pháo trái phép trong khuôn khổ các giải đấu bóng đá tại Việt Nam, căn cứ Khoản 2 Điều 68 Quyết định 72/QĐ-LĐBĐVN ngày 05/03/2018 của Ban Chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam quy định trách nhiệm đối với đơn vị tổ chức. Theo đó, Ban tổ chức trận đấu để xảy ra sự việc đốt lửa, đốt pháo nổ các loại, thuốc pháo nổ trong sân vận động gây hoang mang, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người khác, thì sẽ bị phạt 20 triệu đồng. Phạt tiền từ 30 – 70 triệu đồng trong các trường hợp sau: Vi phạm nhiều lần trong trận đấu; Vi phạm liên tục, kế tiếp trong nhiều trận đấu. Nếu Vi phạm đã bị xử lý kỷ luật nhiều lần nhưng vẫn tái phạm thì bị xử lý bằng hình thức thi đấu trên sân nhà không có khán giả hoặc rời đến sân trung gian.
Trường hợp vi phạm mà do cổ động viên của đội khách gây ra thì đội khách sẽ bị xử lý kỷ luật như trên.
Trên đây là nội dung tư vấn của Phòng tư vấn Luật Công Khánh về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc liên lạc đến chúng tôi theo các thông tin sau:
Công ty Luật TNHH MTV Công Khánh
Trụ sở: Số 8/159 Hàn Mặc Tử, Vỹ Dạ, Huế, Thừa Thiên Huế
Văn phòng tại Huế: Số 33 Trường Chinh, Xuân Phú, Huế, Thừa Thiên Huế
Chi nhánh tại Quảng Bình: Số 59 Lê Lợi, Đồng Hới, Quảng Bình
Số điện thoại: 0898.200.234
Email: congkhanhluat@gmail.com