Liên quan việc nhân viên Công ty cổ phần dược trung ương Medipharco – Tenamyd bán thuốc hết hạn cho bệnh nhi, Luật sư VÕ CÔNG HẠNH (Công ty Luật Công Khánh, Huế), cho biết hành vi bán thuốc hết hạn có thể bị xử lý hành chính theo quy định Nghị định 176/2013/NĐ-CP, ngày 14.11.2013, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, cụ tế. Cụ thể: Người vi phạm bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng – 20.000.000 đồng (điểm a, Khoản 5 Điều 40 Nghị định 176).
Hình phạt bổ sung đối với hành vi này là tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dược đối với cá nhân hành nghề dược, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc đối với cơ sở kinh doanh trong thời hạn từ 3 tháng đến 6 tháng (điểm b, Khoản 7, Điều 40 Nghị định 176). Đồng thời, buộc cơ sở kinh doanh dược thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Khoản 8 Điều 40 Nghị định, bao gồm: Hoàn trả lại số tiền bán thuốc đã thu được từ việc bán thuốc hết hạn; tiêu hủy thuốc theo quy định. Trong trường hợp mà việc sử dụng thuốc gây ra thiệt hại về sức khỏe đối với người dùng thì cơ sở kinh doanh dược còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho người bị thiệt hại theo quy định của Bộ luật dân sự 2015.
– Phóng viên: Hiện Công ty Cổ phần dược trung ương Medipharco – Tenamyd vẫn chưa rõ có bao nhiêu bệnh nhi đã trót uống số thuốc Hapacol mà nhân viên công ty đã bán để có thể thu hồi. Ông đánh giá mức độ sự việc này như thế nào?
(Ảnh minh họa – CKL)
Luật sư Võ Công Hạnh: Thực tế là việc bán thuốc của các quầy thuốc không được quản lý chặt chẽ tạo sự tuỳ tiện cho đơn vị dược trong việc kiểm tra thuốc hết hạn hoặc thậm chí biết thuốc hết hạn nhưng vẫn bán vì tự tin rằng thuốc hết hạn nhưng vẫn còn sử dụng được và không gây hậu quả nguy hiểm cho người bệnh. Mặc khác người bán và cả người mua thuốc tự kê dơn không theo đơn thuốc của bác sĩ dẫn đến khó để kiểm tra số lượng bệnh nhân đã dùng thuốc hết hạn nói trên. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng vì dùng thuốc hết hạn có thể gây hậu quả ngay lập tức hoặc những biến chứng về sau. Đối với các bệnh nhân đã xác định được dùng thuốc quá hạn, phải tiếp tục theo dõi. Trong trường hợp phát sinh những biến chứng từ việc dùng thuốc trên thì công ty, bệnh viện phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường.
– Trường hợp nào thì bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân khởi kiện Công ty Cổ phần dược trung ương Medipharco – Tenamyd ra tòa án và liệu tòa có thụ lý, thưa ông?
(Ảnh minh họa: Nguồn internet)
Luật sư Võ Công Hạnh: Trong trường hợp này bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có quyền khởi kiện Công ty cổ phần dược trung ương Medipharco – Tenamyd, đơn vị bán thuốc quá hạn và Toà án phải thụ lý vụ việc dựa trên những chứng cứ, hoá đơn và số lượng thuốc đã được bán và đã uống. Các yêu cầu về bồi thường thiệt hại về mặt sức khỏe cũng như tổn hại về tinh thần sẽ được đặt ra trong quá trình Toà án thụ lý và giải quyết vụ việc.
Xem chi tiết tại: http://motthegioi.vn/…/vu-ban-thuoc-het-han-cho-benh-nhi-